Lượt xem: 592

Nông nghiệp Trần Đề cơ bản vượt qua giai đoạn khó

Cũng như nhiều địa phương khác; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Trần Đề đã gặp rất nhiều áp lực trong vấn đề thu hoạch, vận chuyển hàng hóa trong suốt thời gian thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội. Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Huyện Ủy, UBND huyện cùng sự kiên trì vượt khó của bà con nông dân huyện nhà, đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp tại Trần Đề cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó với nhiều kết quả khả quan.

 


Năng suất lúa Hè Thu tại Trần Đề tương đối ổn định.

 

    Vụ lúa Hè Thu năm 2021 tại huyện Trần Đề vượt kế hoạch đề ra với diện tích xuống giống là 22.420 hecta. Trà lúa bắt đầu trổ chín và thu hoạch đúng vào giai đoạn toàn tỉnh phải thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã gây rất nhiều trở ngại cho quá trình thu hoạch do khan hiếm máy gặt – đập, thương lái không thể đến thu mua vì những hạn chế trong vấn đề di chuyển giữa các địa phương. Ngay khi tỉnh triển khai chủ trương thực hiện test nhanh hoàn toàn miễn phí cho chủ phương tiện và thương lái tham gia thu mua lúa, tiến độ thu hoạch lúa tại huyện bắt đầu được tiến hành khẩn trương.

    Tính đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được 90% diện tích lúa Hè Thu. Mặc dù giá lúa chỉ tăng nhẹ từ 100 đến 200 đồng mỗi kg - thấp hơn so với năm 2020, nhưng theo nhiều nông dân, mức giá này là tạm chấp nhận được trước những khó khăn trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Thêm một điều đáng mừng là nhờ chủ động gieo trồng các giống lúa cứng cây, ít đổ ngã như Đài thơm 8, OM18 nên tình trạng đổ ngã trên trà lúa do yếu tố thời tiết đã không xảy ra như nhiều năm trước, năng suất và sản lượng lúa đều tăng hơn so với cùng kỳ, năng suất bình quân mỗi hecta là 5,8 tấn. Nông dân Sơn Bươl ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề cho biết: “Máy gặt lúc đầu cũng khó khăn, nhờ được huyện, xã hỗ trợ đưa máy xuống rồi test cho anh em để thu hoạch. So với năm ngoái năm nay thời tiết ổn hơn, 1 công cũng lời được trên 1 triệu đến gần 2 triệu”.

    Đối với nghề nuôi tôm nước lợ, tại Trần Đề cũng đã kết thúc đợt thả nuôi chính vụ theo khung lịch thời vụ đã được ngành chuyên môn khuyến cáo với diện tích là 4.435 hecta. Toàn huyện đã thu hoạch được 3.561 hetca tôm, đạt sản lượng 31.488 tấn, cao hơn 3.000 tấn so với cùng kỳ. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh mà tỷ lệ thiệt hại trên tôm nuôi tại huyện chỉ chiếm 1,5%, thấp hơn 4,89% so với năm 2020. Giao thương thuận lợi hơn, giá tôm đang có dấu hiệu tăng là những tín hiệu lạc quan để những hộ có đủ điều kiện yên tâm bắt đầu  đợt thả nuôi mới, đón đầu đợt tăng giá mạnh do nhu cầu tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thanh Hoàng – hộ nuôi tôm ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình chia sẻ thêm: “Lúc mới giãn cách cũng khó khăn, nhưng giờ tình hình lạc quan hơn rồi. Thu hoạch thêm 01 ao nữa là xong. Giờ là bắt đầu tiến hành sên ao sẵn, chuẩn bị thả nuôi thêm đợt mới”.

    Mặc dù đã cơ bản vượt qua giai đoạn khó, nhưng để đảm bảo phục hồi sản xuất một cách an toàn trước diễn biến khó có thể lường trước của COVID-19, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trần Đề cũng đã xây dựng các phương án tổ chức sản xuất gắn liền với phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung nhiều giải pháp chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 – 2022. Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề thông tin thêm: “Cụ thể, đối với thủy sản chúng tôi tiếp tục nắm bắt các thông tin về thị trường để khuyến cáo những hộ có đủ điều kiện tiếp tục thả nuôi nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Riêng đối với vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022, ngành cũng đã xây dựng lịch xuống giống từ 20/9 đến cuối tháng 10 để trà lúa có thể thu hoạch trước Tết Nguyên Đán nhằm tránh ảnh hưởng của xâm nhập mặn vào cuối vụ. Từ đó chỉ đạo các địa phương thu hoạch Hè Thu đến đâu xuống giống vụ Đông Xuân đến đó, đặc biệt là đối với các khu vực khó tiếp nước vào mùa hạn mặn như là xã Đại Ân 2, một phần xã Liêu Tú, Lịch Hội Thượng”.

    Ngoài thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy hải sản, con tôm, cây lúa được xem là hai đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực tại huyện Trần Đề. Với sự đồng hành sát sao của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện trong việc hỗ trợ người dân kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất cùng sự ý thức cao của người nông dân về việc duy trì sản xuất gắn liền với công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới sẽ là những yếu tố quan trọng để nông nghiệp Trần Đề nhanh chóng trở lại tiến độ sản xuất nhịp nhàng hơn, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà trong năm 2021.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 8016
  • Trong tuần: 78,723
  • Tất cả: 11,802,043